Việc tập luyện phục hồi chức năng cho người bệnh tai biến mạch máu não đóng vai trò quan trọng trong quá trình chữa trị và khắc phục biến chứng. Quá trình tập luyện phải diễn ra xuyên suốt từ lúc còn ở bệnh viện và duy trì tiếp tục kể cả khi biến chứng đã được khắc phục. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số bài tập giúp người bệnh phục hồi chức năng hiệu quả.
Tai biến mạch máu não và những di chứng thường gặp nhất
Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là tình trạng một phần não bộ đột ngột bị tổn thương khi mạch máu nuôi dưỡng phần não đó bị tắc (gọi là nhồi máu não) hoặc bị vỡ (gọi là xuất huyết não). Nói cách khác, đây là hiện tượng não không được cung cấp đủ máu dẫn đến thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Nếu trong vòng vài phút, máu não không được lưu thông sẽ khiến tế bào não chết. Vùng não bị tổn thương càng rộng, mức độ tổn thương càng nặng thì di chứng để lại sẽ càng nhiều, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Tùy vào phần não bị tổn thương, di chứng sau tai biến mạch máu não gây ra sẽ khác nhau:
Yếu hoặc liệt nửa người: Đây là di chứng phổ biến nhất. Người bệnh bị liệt vận động nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân. Hơn nữa, việc không vận động trong thời gian dài có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như lở loét da, cứng khớp, viêm đường hô hấp, đôi khi gây nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong.
Rối loạn ngôn ngữ: Nhiều người bệnh sau cơn tai biến không thể nói chuyện như trước do bị rối loạn ngôn ngữ. Họ chỉ có thể nói rất ít từ, bị nói ngọng, thậm chí không nói được, nguyên nhân là do vùng não đảm nhận chức năng ngôn ngữ bị tổn thương.
Suy giảm nhận thức: Người bệnh tai biến mạch máu não có thể bị mất trí nhớ, suy giảm khả năng nhận thức về mọi vấn đề trong cuộc sống. Nhiều người rất lâu mới có thể phục hồi và không thể làm những công việc yêu cầu trí tuệ minh mẫn cũng như độ phức tạp nhiều như trước đây.
Mắt nhìn mờ: Khi cơn tai biến tấn công, nhiều người bệnh có dấu hiệu mờ một bên hoặc cả hai bên mắt. Điều này cũng cảnh báo di chứng mà người bị tai biến có thể gặp phải, đó là rối loạn thị giác sau tai biến.
Rối loạn tiểu tiện: Chứng rối loạn cơ tròn có thể khiến người bệnh tai biến tiểu tiện không tự chủ.
Các bài tập phục hồi sau tai biến mạch máu não
Sau cơn tai biến, bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị cũng như áp dụng thói quen sống tích cực như không sử dụng bia rượu, các chất kích thích và thực hiện chế độ ăn có nhiều rau, hoa quả. Người bệnh cũng cần áp dụng các phương pháp tập phục hồi chức năng để cải thiện sức khỏe và những di chứng do tai biến để lại. Cùng tìm hiểu các bài tập dưới đây để giúp người bệnh phục hồi chức năng sau tai biến.
Bài tập đứng và đi bộ
Liệt vận động là một trong những biến chứng và tổn thương phổ biến nhất của người bệnh với tỷ lệ lên tới hơn 80%. Chính vì vậy, để phục hồi các khả năng vận động và chức năng ở vị thế đứng, người nhà có thể hỗ trợ người bệnh thực hành 3 tư thế sau:
- Tập chuyển trọng lượng lần lượt sang hai chân:
Người nhà có thể giúp người bệnh đứng tựa nhẹ vào mép bàn, đặt hai bàn chân ở vị trí ngang nhau và cách nhau khoảng 15 đến 20 cm, dồn trọng lượng cơ thể lên hai chân. Sau đó, người bệnh hãy chuyển trọng lượng lần lượt từ chân này sang chân kia, mỗi chân giữ vài giây rồi lặp lại như vậy.
- Tập đứng, dồn trọng lượng lần lượt lên hai chân:
Khi đã có thể đứng thẳng, người bệnh có thể thực hiện tiếp tư thế này. Bắt đầu ở tư thế đứng thẳng, hai bàn chân vẫn cách nhau khoảng 15 đến 20 cm, hai tay xuôi theo thân, trọng lượng chia đều hai bên chân. Sau đó, người bệnh hãy trụ bằng chân trái, dạng chân phải và nhấc lên khỏi sàn nhà, rồi đổi bên. Người nhà nên đứng bên liệt của người bệnh để có thể đỡ và hỗ trợ khi cần thiết.
- Tập đứng thăng bằng
Bắt đầu bằng tư thế đứng thẳng, trọng lượng đều hai chân, người bệnh hãy quay đầu nhìn ra sau vai ở lần lượt hai bên, sau đó thực hiện tiếp các động tác như: cúi đầu, ngửa đầu, nghiêng người, đưa hai tay lên qua đầu, đưa hai tay sang phải rồi sang trái. Khi đã đứng vững, người bệnh tai biến mạch máu não cần tập đi bộ ít nhất 15 phút mỗi ngày.
Người bệnh có thể tập luyện ở nhà mà không cần phải vào bệnh viện hay các trung tâm phục hồi và nên tập luyện ít nhất 16 giờ/ tuần để có kết quả hồi phục tốt hơn.
Bài tập kỹ năng sử dụng một tay
Từ tuần thứ 2 – thứ 6 sau khi tai biến, người bệnh tổn thương nhẹ hoặc trung bình có thể thực tập dùng một tay để thực hiện các công việc hằng ngày như mặc quần áo, đi vệ sinh, tắm rửa. Việc tập luyện phải được thực hiện càng sớm càng tốt, ngay khi người bệnh có thể tự di chuyển tay dù chỉ một ít vì nếu tay không di chuyển được trong vòng 6 tuần đầu, cơ hội hồi phục hầu như rất thấp. Vì vậy, thời gian này, người bệnh cần tập 3 – 6 giờ/ ngày các động tác như co duỗi cơ, duỗi và gập tay.
Tập nói
Khoảng 20% người bệnh tai biến mạch máu não bị mất tiếng nói. Trong 3 tháng đầu tiên, người bệnh cần được điều trị và tập luyện để khôi phục. Người nhà hãy khuyến khích họ tập nói những câu từ đơn giản như đếm số, bảng chữ cái, đọc ngày tháng, sau đó tăng độ khó lên bằng cách mô tả đồ vật xung quanh hoặc tập đọc đoạn văn từ ngắn đến dài dần. Để tăng khả năng hồi phục, người bệnh cần luyện nói khoảng 40 – 100 giờ trong vòng 3 tháng đầu.