Đột quỵ, câu chuyện không phải mới nhưng chưa bao giờ cũ, vì tỷ lệ mắc cũng như sự trẻ hoá của bệnh này đã và đang gia tăng. Bệnh thường để lại những biến chứng hết nặng nề và khó hồi phục hoàn toàn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc một số phương pháp hồi phục chức năng sau đột quỵ tại nhà.
Đột quỵ có nguy hiểm không?
Cơn đột quỵ có thể gây ra khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào phần não bị ảnh hưởng và thời gian não bị thiếu lưu thông máu. Các biến chứng có thể bao gồm:
- Khó nói hoặc khó nuốt: Cơn đột quỵ có thể làm tổn thương bộ phận não kiểm soát cơ miệng và cổ họng, từ đó gây ra tình trạng khó nuốt hoặc khó nói, nói ngọng, nói lắp, khó diễn đạt, thậm chí là không thể nói được.
- Liệt vận động: Theo các chuyên gia y tế, sau đột quỵ có khoảng 90% người bị liệt vận động (liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt). Đây là di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến mọi hoạt động hàng ngày của bệnh nhân. Đồng thời bệnh nhân có thể gặp phải những hệ quả nguy hiểm khác do việc nằm liệt lâu ngày như: lở loét da, viêm đường hô hấp, viêm đường tiết niệu, viêm phổi,…
- Rối loạn nhận thức: Theo ghi nhận, tỉ lệ bị rối loạn nhận thức ở người bệnh sau khi mắc đột quỵ là khoảng hơn 60%. Các biểu hiện thường gặp chủ yếu là: hay quên, suy giảm trí nhớ, lơ mơ không tỉnh táo, mất khả năng định hướng, không nhớ được người thân và không hiểu được lời nói của mọi người.
- Rối loạn thị giác: Người bệnh sau đột quỵ có thể gặp phải các triệu chứng rối loạn thị giác như: nhìn mờ, mù một phần hay mù toàn phần. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến 1 mắt hay cả 2 mắt, mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc vào mức độ tổn thương của não bộ.
- Tiểu tiện không tự chủ
- Rối loạn tâm lý: Người bệnh cảm thấy tự ti, mặc cảm, dễ dẫn đến trầm cảm
Các biện pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ tại nhà
Việc tập luyện phục hồi chức năng cho các bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong quá trình chữa trị và khắc phục biến chứng. Quá trình tập luyện phải diễn ra xuyên suốt từ lúc còn ở bệnh viện và duy trì tiếp tục kể cả khi biến chứng đã được khắc phục. Dưới đây là một số bài tập giúp bệnh nhân phục hồi chức năng sau đột quỵ có thể tập và duy trì tại nhà. Người thân của người bệnh cũng nên trợ giúp trong quá trình hồi phục này.
Phục hồi khả năng ngôn ngữ
Theo ghi nhận, khả năng ngôn ngữ bị ảnh hưởng trên 20% bệnh nhân sau đột quỵ. Để khôi phục chức năng này, trong 3 tháng đầu tiên, bệnh nhân cần thực hiện các bài tập chuyên biệt. Người nhà bệnh nhân hãy khuyến khích và cùng người bệnh tập nói những câu từ đơn giản như đếm số, bảng chữ cái, đọc ngày tháng, sau đó tăng độ khó lên dần dần. Tuy nhiên, hãy tạo cho người bệnh không khí vui vẻ, dễ chịu khi tập luyện, không nên ép buộc hay tập luyện quá sức.
Phục hồi kỹ năng sử dụng tay
Khoảng tuần thứ 2 – thứ 6 sau khi cơn đột quỵ xảy ra, bệnh nhân có mức tổn thương nhẹ hoặc trung bình nên bắt đầu tập dùng một tay hoặc kết hợp cả 2 tay để thực hiện các công việc hằng ngày như mặc quần áo, vệ sinh cá nhân. Việc tập luyện nên được thực hiện càng sớm càng tốt, ngay khi người bệnh có thể tự di chuyển tay dù chỉ một ít vì nếu tay không di chuyển được trong vòng 6 tuần đầu, cơ hội hồi phục hầu như rất thấp. Các động tác được khuyến khích là duỗi tay, gập tay, cầm nắm các vật,…
Phục hồi khả năng đi lại, di chuyển
Bệnh nhân cần tập luyện từng bước như tập co chân, tập đứng, sau đó tập đi bộ để phục hồi các khả năng vận động và chức năng ở vị thế đứng. Người nhà nên lưu ý, hỗ trợ và giúp đỡ người bệnh tập luyện ở các tư thế đúng và không nên để người bệnh vận động quá sức. Các bài tập được khuyến cáp bao gồm:
- Tập chuyển trọng lượng lần lượt sang hai chân: Người nhà có thể giúp bệnh nhân đứng tựa nhẹ vào mép bàn, đặt hai bàn chân ở vị trí ngang nhau, dồn trọng lượng cơ thể lên hai chân.
- Tập đứng thăng bằng: Bắt đầu bằng tư thế đứng thẳng, trọng lượng đều hai chân, bệnh nhân hãy quay đầu nhìn ra sau vai ở lần lượt hai bên, sau đó thực hiện tiếp các động tác như: cúi đầu, ngửa đầu, nghiêng người, đưa hai tay lên qua đầu, đưa hai tay sang phải rồi sang trái. (Nên thực hiện chậm rãi, tăng tốc độ từ từ.)
Ngoài ra, còn một số các bài tập giúp phục hồi các chức năng khác nhưng trên đây là những bài tập phục hồi chức năng cơ bản nhất. Mong rằng, với những chia sẻ vừa rồi về các biện pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ tại nhà, quý bạn đọc sẽ có thêm nhiều tư liệu để giúp các bệnh nhân phục hồi nhanh hơn, hiệu quả hơn.